LỜI TỰA LỤC HÀO TẬT BỆNH DỰ TRẮC HỌC
Năm 1998, tôi đã xuất bản cuốn sách đầu tiên chuyên về dự đoán lục hào là Lục Hào Dự Trắc Tật Bệnh Tân Thám. Năm 2007, tôi lại xuất bản Lục Hào Trắc Bệnh Phân Khoa Tường Giải gồm ba tập thượng trung hạ. Trong hai cuốn sách đó, tôi đã ghi ra một số tâm đắc và trải nghiệm thu được khi nghiên cứu về lục hào dự đoán bệnh tật. Vốn không còn dự định xuất bản loại sách về lục hào dự đoán bệnh tật, thế nhưng bởi vì lần này nhà xuất bản nhiều lần thỉnh cầu hy vọng có thể viết một quyển nữa, thế là tôi quyết định viết một quyển có hệ thống hơn, từ nông đến sâu, thích hợp cho người mới học cũng như người muốn nâng cao trình độ.
Trong rất nhiều chuyên đề dự đoán liên quan đến lục hào dự đoán học, sở dĩ tôi viết nhiều về dự đoán bệnh tật là bởi vì khoa học tính mệnh luôn có một vị trí quan trọng nhất. “Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”, sinh mệnh của con người là thứ quý giá nhất, của cải, địa vị, hạnh phúc gia đình,… tất cả đều phải kiến lập trên cơ sở một cơ thể khỏe mạnh, bằng không đều là “lấy giỏ tre đựng nước”.
Qua nhiều năm thực hành và nghiên cứu, tôi nhận thấy dự đoán và điều trị bệnh tật bằng lục hào dự đoán học có ảnh hưởng không thể thay thế bởi y học hiện đại. Trung y cổ đại đã đề xuất “thượng công trị vị bệnh”, thầy thuốc giỏi là trước khi bệnh tật chưa phát tác đã loại bỏ được gốc rễ của nó. Trung y bắt nguồn từ lý luận triết học của Chu Dịch, lục hào dự đoán học cũng bắt nguồn từ đó nên có thể dự đoán bệnh tật và hướng dẫn phương án điều trị một cách chính xác. Y học hiện đại chẩn đoán bệnh dựa vào máy móc thiết bị, cho dù tiên tiến như thế nào thì cũng chỉ có thể tìm ra bệnh tật đã tồn tại, nhưng lục hào dự đoán học thì lại có thể vượt qua thời không, đoán ra thời điểm và bộ vị sẽ có thể phát bệnh trong tương lai. Điểm này cực kỳ quan trọng, đối với trị bệnh hay phòng bệnh đều có ý nghĩa sâu sắc.
Vì vậy, tôi mới dành rất nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu phương pháp dự đoán bệnh tật bằng lục hào, cũng may là thời gian không phụ người có lòng, cuối cùng thì cũng đạt được một chút thành tựu, tôi đã tìm ra một số quy luật và phương pháp mà người xưa chưa phát hiện, làm cho lục hào tật bệnh dự trắc học càng có hệ thống và hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, dùng lục hào dự đoán bệnh tật không phải là vạn năng, cũng không phải mỗi quẻ đều có thể phản ánh hoàn chỉnh thông tin cụ thể của bệnh tật, những nghiên cứu của tôi cho đến nay cũng không thể bao gồm tất cả các bệnh, bởi vì có một số bệnh tôi cũng chưa từng gặp. Hơn nữa bệnh tật cũng đang biến dị không ngừng, vì vậy chúng ta cần phải liên tục tìm tòi, nghiên cứu. Cuốn sách này coi như “phao chuyên dẫn ngọc” (ném gạch nhử ngọc), hy vọng có nhiều hơn nữa người học có chí hướng gia nhập vào đội ngũ nghiên cứu dự đoán bệnh tật.
MỤC LỤC LỤC HÀO TẬT BỆNH DỰ TRẮC HỌC
LỜI TỰA
CHƯƠNG 1: Ý NGHĨA CỦA LỤC HÀO ĐOÁN BỆNH
CHƯƠNG 2: QUY LUẬT CỦA LỤC HÀO ĐOÁN BỆNH
CHƯƠNG 3: QUAN HỆ ĐỐI ỨNG GIỮA BÁT QUÁI VÀ BỆNH TẬT
CHƯƠNG 4: QUAN HỆ ĐỐI ỨNG GIỮA NGŨ HÀNH VÀ BỆNH TẬT
CHƯƠNG 5: QUAN HỆ GIỮA LỤC THÂN VÀ BỆNH TẬT
1. Thủ (lấy) tượng lục thân đoán bệnh
2. Thủ tượng lục thân hỗ hóa (biến hóa lẫn nhau)
CHƯƠNG 6: HÀO VỊ VÀ BỆNH TẬT
CHƯƠNG 7: THỦ TƯỢNG LỤC THẦN ĐOÁN BỆNH
CHƯƠNG 8: THỦ TƯỢNG ĐỊA CHI ĐOÁN BỆNH
CHƯƠNG 9: KIẾN THỨC CĂN BẢN ỨNG DỤNG TRONG ĐOÁN BỆNH LÝ
1. Tác dụng của Dụng thần lưỡng hiện
2. Thủ tượng Dụng thần phục tàng
3. Thủ tượng Tiến thần và Thoái thần
4. Thủ tượng Nguyệt phá đoán bệnh
5. Tác dụng của Không Vong khi đoán bệnh
6. Tác dụng của độc phát khi đoán bệnh
7. Tác dụng của lục hợp
8. Tác dụng của lục xung
9. Thủ tượng phản ngâm phục ngâm
10. Thủ tượng du hồn quy hồn
CHƯƠNG 10: ỨNG DỤNG CỦA 12 TRẠNG THÁI NGŨ HÀNH SINH DIỆT TRONG ĐOÁN BỆNH
CHƯƠNG 11: CÁCH ĐOÁN NGUYÊN NHÂN PHÁT BỆNH
1. Quan điểm mắc bệnh trong lục hào
2. Phương pháp phán đoán nguyên nhân phát bệnh
CHƯƠNG 12: ỨNG KỲ VÀ DỰ ĐOÁN BỆNH TẬT
CHƯƠNG 13: KHÁM BỆNH
CHƯƠNG 14: ỨNG DỤNG CỦA LỤC HÀO TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH TẬT
CHƯƠNG 15: PHÂN LOẠI DỰ ĐOÁN BỆNH TẬT
1. Bệnh tật ở đầu
2. Huyết áp cao và huyết áp thấp
3. Thiếu máu
4. Bệnh về mắt
5. Bệnh về mũi
6. Bệnh tật về cổ họng
7. Bệnh tật về khoang miệng
8. Bệnh về tai
9. Bệnh viêm quanh khớp vai
10. Bệnh về xương cổ
11. Bệnh phổi
12. Bệnh về tuyến vú
13. Bệnh tim
14. Bệnh dạ dày
15. Bệnh ruột
16. Bệnh gan
17. Bệnh túi mật
18. Bệnh thận
19. Bệnh tiểu đường
20. Bệnh tuyến tiền liệt
21. Bệnh phụ khoa
22. Bệnh khớp
23. Bệnh ngoài da
24. Cước khí
25. Bệnh tâm thần
26. Ngoại thương
27. Quái bệnh
CHƯƠNG 16: ĐOÁN BỆNH ỨNG DỤNG TRONG PHÁN ĐOÁN TỔNG HỢP
CHƯƠNG 17: DỰ ĐOÁN BỆNH TẬT CHO ĐỘNG VẬT
**********
CHƯƠNG 1: Ý NGHĨA CỦA LỤC HÀO ĐOÁN BỆNH
Bất kể y học hiện đại phát triển ra sao, người ta nói “đạo cao một thước, ma cao một trượng”, trong khi các nhà y học đang không ngừng tìm kiếm phương pháp điều trị bệnh tật thì bệnh tật cũng đang biến đổi, cũng đang mở rộng, luôn luôn có những bệnh tật mới chờ đợi người ta nhận thức, giải mã và tiêu diệt. Nhưng thực sự muốn khám phá ra một phương pháp điều trị bệnh tật đâu phải dễ? Vì một căn bệnh, có thầy thuốc dùng hết tinh lực cả đời, có thể giải mã đôi chút về nó thì đã tốt lắm rồi.
Ngay từ khi dự đoán học và Trung y bắt đầu ra đời, người xưa cũng đã ràng buộc hai cái lại với nhau. Điều này là bởi vì cả dự đoán học và Trung y đều được kiến lập dựa trên lý luận âm dương ngũ hành. Trong sự hình thành của các loại toa thuốc trị bệnh trong Trung y, mặc dù có sự tích lũy kinh nghiệm của thầy thuốc, nhưng trong đó sự phối hợp và tỷ lệ của các của vị thuốc không dựa vào kết quả của thử nghiệm lặp đi lặp lại nhiều lần, mà là có lý luận âm dương ngũ hành sinh khắc mạnh mẽ tới làm hậu thuẫn và chỉ đạo mới có thể phát hiện, phát minh ra nhiều tổ hợp như vậy. Nhìn chung, các bậc thầy Trung y qua các thời kỳ đều là những cao thủ tinh thông Dịch học, dự đoán học. Tôn Tư Mạc, còn được gọi là Dược Vương, là một nhà y học trứ danh thời Đường. Ông rất coi trọng mối quan hệ giữa y học và Dịch học, “bất tri dịch, bất túc dĩ ngôn thái y” (không hiểu Dịch, không xứng đáng làm thầy thuốc), câu danh ngôn chí lý này luôn luôn được các học giả Trung y chân chính suy tôn làm nguyên tắc của thầy thuốc.
Trong Y Môn Bổng Hát viết: “Thị dĩ Dịch chi thư, nhất ngôn nhất tự giai tàng y học chi chỉ nam” (trong sách Dịch, mỗi lời mỗi chữ đều là kim chỉ nam cho y học). Rõ ràng đã chỉ ra vai trò chỉ đạo của Chu Dịch đối với y học. Trong Thiên Kim Yếu Phương, Tôn Tư Mạc đã đưa ra những điều kiện mà người học y nhất định phải có: “Phàm muốn làm thầy thuốc, phải am hiểu Tố Vấn, Giáp Ất, Hoàng Đế Châm Kinh,… Lại thêm Diệu Giải Âm Dương Lộc Mệnh, Chư Gia Tương Pháp, cùng Chước Quy Ngũ Triệu, Chu Dịch, Lục Nhâm, tất cả đều phải tinh thục, như vậy mới là đại y. Nếu không, giống như người không có mắt lại đi chơi đêm, rối loạn đến mức ngã chết”. Rõ ràng Tôn Tư Mạc có thể trở thành nhà y học vĩ đại lưu truyền thiên cổ, chủ yếu là bởi vì ông ta tinh thông dự đoán học. Nếu muốn có đột phá quan trọng trong y học và bệnh tật học, phải là cao thủ dự đoán bệnh tật thì mới có thể làm được.
Lúc mới khởi đầu, dự đoán học cũng đã xem dự đoán bệnh tật là một chuyên đề không thể thiếu. Qua việc nghiên cứu các loại thuật dự đoán cổ đại, tôi nhận thấy trong mỗi hệ thống dự đoán đều có đề cập tới dự đoán bệnh tật, đối với sự phát triển của dự đoán bệnh tật đều có những cống hiến nhất định, tuy nhiên thực sự có thể phán đoán thì rất nhỏ, phương pháp dự đoán cụ thể nhất vẫn là lục hào dự đoán học.
Dự đoán lục hào không những có thể giúp chúng ta hiểu rõ chiều hướng phát triển của bệnh tật, mà còn có thể dự đoán được thầy thuốc có hợp với người bệnh hay không, thuốc có hiệu quả hay không. Đáng quý hơn là đôi khi sử dụng dự đoán lục hào có thể tìm ra phương pháp trị liệu và phối hợp với điều trị hiện đại để tăng tốc độ chữa lành bệnh tật. Dự đoán lục hào cũng có thể xem như là một phương pháp điều trị độc lập, giải quyết một số bệnh nan y mà y học hiện đại đã bó tay.
Dưới đây xin nêu ra một vài ví dụ.
Ví dụ 1: Một ngày vào tháng 5 năm 2007, bạn học của tôi ở quê nhắn tin nói rằng em trai anh ta bị đau chân không thể cử động, bảo tôi xem coi bị làm sao? Tại ngày Giáp Thìn tháng Tị được quẻ Thiên Địa Bĩ biến Sơn Địa Bác.
Sau khi phân tích quái tượng, tôi đã phán đoán trước một số chi tiết nhỏ để đối chiếu thông tin. Nhất định là em trai anh ta đã vài lần đi ngoài đường vào ban đêm, hơn nữa là tại phía Nam của nơi ở. Đêm khuya âm khí nặng nề, vì vậy đã bị đau chân. Trên thực tế, buổi tối em trai anh ta thường chơi mạt chược đến khuya, từ phía Nam trở về.
Theo kiến thức y học thông thường, đi đường ban đêm và đau chân chẳng liên quan gì nhau, vì vậy phải chụp CT để kiểm tra xem là vấn đề thần kinh hay là xương cốt,… cho dù có kiểm tra thì bác sĩ cũng không thể biết là đã đi đường ban đêm ở phía Nam.
Sau khi phán đoán được khẳng định, tôi liền bảo anh ta vào giờ Tý ngày hôm đó mang năm tờ giấy hoàng chỉ đến ngã tư đường ở phía Nam đốt đi. Kết quả là buổi tối hôm đó em trai anh ta đã ra rất nhiều mồ hôi, khiến cho chăn mền ướt đẫm, đây là lần đầu tiên trong đời ra mồ hôi như vậy. Sáng hôm sau, chân không còn đau một tí nào, hơn nữa còn có thể đi đến vùng khác du ngoạn. Người không hiểu rất dễ bị hiện tượng và phương pháp trị liệu như vậy dẫn vào phạm vi mê tín, nhưng trên thực tế dùng nguyên lý ngũ hành sinh khắc hoàn toàn có thể làm rõ. Dùng phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa trong Trung y thì có thể nói rõ nguyên nhân phát bệnh, bệnh lý và cơ chế trị liệu.
Ví dụ 2: Tháng 3 năm 2005, một học trò người Nhật Bản đã bị cảm mạo hơn một tháng, kèm theo ho, đã truyền dịch nhưng không thấy có chuyển biến, về sau lại bắt đầu đau nhức xương sườn. Khi đến bệnh viện kiểm tra thì bác sĩ nói là gãy xương, cần phải phẫu thuật, nhưng anh ta lại sợ phẫu thuật, vì vậy nhờ đoán xem rốt cuộc là chuyện gì đang xảy ra? Tại ngày Bính Thân tháng Mão, gieo được quẻ Sơn Phong Cổ.
Phân tích từ quái tượng, anh ta căn bản không bị gãy xương, mà là phong hàn nhập thể dẫn tới bị ho, sau đó ho gây đau xương sườn. Vì vậy, tôi bảo anh ta dùng 1 củ cà rốt vàng, 6 củ hành hoa và 5 miếng gừng tươi nấu canh uống.
Sau ba ngày uống liên tục, cảm mạo và ho biến mất, xương sườn cũng hết đau. Anh ta còn nói canh này dễ uống, sau khi uống cơ thể tỏa nhiệt, vị cũng ngon. Y học Nhật Bản đã đủ phát triển, nhưng cũng sẽ phán đoán sai lầm, nếu không có dự đoán giúp đỡ thì đoán chừng người này đã phải chịu đựng một đao vô ích, hơn nữa còn không thể giải quyết được vấn đề.
Ví dụ 3: Một ngày vào tháng 3 năm 1996, tôi nhớ hôm đó là thứ bảy, vốn là không đi làm, nhưng bởi vì tôi có việc đến đơn vị công tác lấy tài liệu, tôi đã gặp được một vị đồng nghiệp. Khuôn mặt anh ta sưng phù rất đáng sợ, vừa thấy tôi giống như gặp được cứu tinh, anh ta nói rằng bản thân bị liệt cơ mặt, bác sĩ đã hẹn thứ hai làm phẫu thuật. Anh ta bảo tôi đoán thử xem tình hình cát hung thế nào. Tại ngày Mậu Tuất tháng Dần, được quẻ Thiên Lôi Vô Vọng.
Tôi tiến hành phân tích quái tượng rồi nói với anh ta: “Anh không phải bị liệt cơ mặt, chẳng qua là hỏa vượng nên có chứng viêm dẫn tới sưng phù mà thôi, bác sĩ chẩn đoán sai rồi.”
Anh ta có phần bán tín bán nghi, thế là tôi hỏi anh ta: “Khuôn mặt của anh có phải là chỉ sưng và tê, không có cảm giác đau đúng không?”. Anh ta gật đầu tán thành. Tôi nói: “Anh sờ vào gốc cánh mũi nhất định rất đau.” Anh ta sờ thử, quả nhiên rất đau.
Anh ta đã tin vào phán đoán của tôi, hỏi tôi xử lý như thế nào? Tôi bảo anh ta uống thuốc kháng sinh, cũng nói cho anh ta biết rằng đến thứ hai thì sưng phù trên mặt nhất định sẽ được tiêu trừ.
Trong cuộc sống, tôi thường gặp phải những ví dụ dự đoán có tượng giống như vậy, đáng tiếc là một phần bác sĩ bây giờ không học, không ít người nhầm lẫn, hại người rất nặng. Nhưng điều đó cũng cho tôi nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng và giá trị của dự đoán bệnh tật, mặc dù lục hào dự đoán bệnh tật không thể thay thế y học hiện đại, nhưng cũng đủ để làm phương tiện phụ trợ cho y học hiện đại, giúp cho chúng ta giải trừ bệnh tật và đau khổ, phục vụ cho xã hội.